
Một số điều cần ghi nhớ khi thiết kế logo
Khi thiết kế logo, bên cạnh những yếu tố lòng cốt và chuyên môn mà người thiết kế cần tuân thủ thì có một số điều tuy không phải là điều cấm kỵ nhưng lại có tác động rất lớn tới hiệu quả sử dụng mà bạn cần cân nhắc khi triển khai dự án. Dựa trên kinh nghiệm thiết kế logo cho nhiều doanh nghiệp. Chúng tôi có một vài lưu ý như sau:
1. Logo không nên có quá nhiều chi tiết
Logo là tín hiệu tạo hình thẩm mỹ truyền tải thông tin hàm súc về một doanh nghiệp hay thương hiệu, tuy nhiên những logo có quá đầy đủ chi tiết chưa chắc đã đủ sức thuyết phục công chúng. Việc phức tạp hóa hoặc quá tham lam khi muốn đưa thật nhiều thông điệp lên logo sẽ khiến thiết kế của bạn trở nên kém thu hút và rắc rối.
Hãy sử dụng những đường nét rõ ràng và đủ ấn tượng kết hợp với màu sắc phù hợp thay vì tận dụng nhiều chi tiết nhưng mờ nhạt. Bạn có thể tham khảo thêm mẫu logo của một số thương hiệu nổi tiếng như Nike hay Apple để thấy rõ điều đó.
2. Logo cần được biến đổi linh hoạt
Không phải lúc nào bạn cũng áp dụng được một mẫu logo duy nhất của mình trong thực tế. Tùy thuộc vào đặc điểm và kích thước của loại ấn phẩm hay sản phẩm mà bạn cần sử dụng những phiên bản logo khác nhau để phù hợp hơn. Ví dụ, với banner hay biển hiệu dài, bạn có thể dãn logo thành phiên bản ngang, còn trên lịch độc quyền hay catalogue, bạn có thể giữ nguyên logo phiên bản gốc ở dạng dọc. Việc biến đổi logo cần dựa trên nguyên tắc thiết kế chung và không nên thay đổi quá nhiều chi tiết.
3. Sử dụng các quy tắc thiết kế để tăng hiệu quả
Khả năng sáng tạo và tay nghề thiết kế của con người luôn là không giới hạn, nhưng trong một vài trường hợp, việc sử dụng các định luật, quy tắc như một công cụ có thể khiến việc thiết kế logo diễn ra thuận lợi hơn.
Bạn có thể tham khảo tỷ lệ vàng, quy tắc 1/3, quy tắc ngón tay cái… và áp dụng vào dự án của mình, bởi chúng hướng đến tính thẩm mỹ và nâng tầm cái đẹp thông qua sự hài hòa, cân đối về tỷ lệ, tạo nên “sự hài lòng thị giác” và cảm giác thoải mái, tự nhiên cho người nhìn. Điều này cũng hỗ trợ cho thương hiệu bạn khi gây ấn tượng với công chúng ngay ở lần đầu “gặp mặt”.
4. Logo có thể vẽ lại dễ dàng ngay cả khi mới nhìn qua
Rob Janoff – người thiết kế ra mẫu logo quả táo cắn dở đầu tiên của hãng Apple vào năm 1977 cho rằng kích thước của logo chính là yếu tố rất quan trọng. Nếu chỉ là hình một quả táo nguyên vẹn, logo của Apple có thể khiến nhiều người nhầm tưởng thành một quả cherry khi thu nhỏ. Tuy nhiên, sau khi thêm vào một vết cắn, dù kích thước có thay đổi đến thế nào, đó vẫn là hình một quả táo.
Điều này minh chứng minh một điều, thiết kế logo cần chú trọng tới ý tưởng sao cho chúng có chúng có thể nhận ra được dễ dàng ngay cả khi phóng to hay thu nhỏ, bởi bạn chắc chắn sẽ phải thay đổi kích cỡ của chúng rất nhiều lần. Đó chính là cách để bạn tiếp cận và ghi dấu ấn với khác hàng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
5. Logo phải nổi bật ngay cả khi ở dạng âm bản
Rõ ràng in màu luôn tốn nhiều chi phí hơn in đen trắng, và không phải lúc nào các ấn phẩm của bạn cũng có màu để logo duy trì màu sắc như phiên bản gốc. Chính vì vậy, hãy lường trước được việc chúng có thể được chuyển sang dạng âm bản khi áp dụng trong thực tế, và điều bạn cần làm chính là thử nghiệm mẫu logo ở cả 2 phiên bản và đánh giá mức độ thành công cũng như hiệu quả hình ảnh của chúng. Lưu ý thiết kế của bạn cũng cần có sự tương phản nhất định để những chi tiết chồng nhau không bị lấn át khi chuyển sang âm bản.
6. Logo phải thể hiện được “màu sắc cá tính” của thương hiệu
Cái tôi, đặc trưng riêng hay cá tính thương hiệu chính là yếu tố tác động tới cảm xúc của khách hàng, trong khi logo lại là bộ mặt đại diện cho cả thương hiệu, do đó chúng cần thể hiện được phong cách và cá tính riêng của bạn.
Nancy Ruiz
A business that makes nothing but money is a poor business.